Trở lại vụ đòi đất Toà Khâm Sứ: những điểm cần làm sáng tỏ

Tiến Hồng

Trở lại vụ đòi đất Toà Khâm Sứ: những điểm cần làm sáng tỏ

Tiến Hồng

“… Điều quan trọng là nhìn rõ ý nghĩa của sự việc trong một nhãn quan thực tế và không mang tính cảm quan …”

Theo dõi vụ giáo dân cầu nguyện yêu cầu nhà cầm quyền trao trả đất toà Khâm sứ cho nhu cầu của toà Tổng giám mục Hà nội, sau khi cả hai bên tỏ thiện chí bước đầu thể hiện qua một vài hành động và văn thư ngày 1/2/08 của Tổng giám mục Ngô quang Kiệt, người ta hy vọng sẽ có những bước kế tiếp để cụ thể hoá việc trao trả này.

Những bước kế tiếp đã không thấy xảy ra mặc dù có yêu cầu của Thủ tướng Dũng. Trong phiên họp giao ban của Chính phủ cuối tháng 1/08 (1), ông Dũng đã thừa nhận «việc giáo hội làm đơn xin cấp đất để sử dụng vào việc sinh hoạt của Hội đồng giám mục Việt Nam (HĐGMVN) là việc làm chính đáng. Nhà nước không thể bỏ qua. Không thể để một tổ chức cao nhất của giáo hội với 6 triệu tín đồ đã 27 năm đồng hành cùng dân tộc (ý nói từ khi thống nhất năm 1980) mỗi lần họp hội lại phải đi nhờ hết địa phương này địa phương khác. Vì vậy Thủ tướng giao cho Ban Tôn giáo CP, UBND TP Hà Nội và một số Bộ liên quan xem xét nhu cầu đó.».

Những người am hiểu vấn đề cho rằng thực tế việc cản trở là do có sự chống đối quyết liệt của chính quyền quận Hoàn Kiếm, vì hình như đã có những thỏa thuận về việc sử dụng nó cho nhu cầu kinh doanh. Và thế là, người ta chứng kiến một màn phù phép trên nhiều phương tiện truyền thông trong và ngoài nước (trang Phattuvietnam của Giáo hội Phật gíao Việt nam (GHPGVN) thường được coi là quốc doanh, Chuyển luân thuộc phái Già Lam, Giao điểm của nhóm Phật giáo cực đoan, VietCatholics của Công giáo hải ngoại, v.v.) để tạo nên một cuộc tranh luận sôi nổi đầy cảm tính mà người theo dõi dễ đi vào sa lầy không lối thoát.

Đi sâu vào những bài đăng tải, tôi nhận thấy các tác giả thường chỉ đưa những tài liệu có lợi cho lập trường của mình mà bỏ qua những tài liệu không thuận lợi. Mặt khác nhiều tác giả sử dụng những ý niệm lầm lộn về «tháp» và « chùa » Báo Thiên, và đưa ra những luận điểm có tính hằn học, đổ vấy trách nhiệm một cách bừa bãi gây chia rẽ lương giáo, đánh lạc hướng vấn đề (đất của toà Khâm sứ) và làm cho việc giải quyết nhu cầu mà thủ tướng Dũng đã coi là chính đáng nêu trên trở thành một đòi hỏi không chính đáng hay ít ra cũng làm chậm tối đa việc giải quyết.

Hoà thượng Thích Trung Hậu đòi đất trên nền tháp Báo Thiên

Ngày 16/2/08, hoà thượng Thích Trung Hậu, trưởng ban văn hoá GHPGVN, thay mặt ban thường trực Hội đồng trị sự giáo hội nhà nước gửi văn thư cho « cụ thủ tướng » ( !) Dũng nội dung như sau:

« Căn cứ các tài liệu lịch sử, chùa Báo Thiên là một trong Tứ đại khí (bốn di sản văn hóa lớn) của Phật giáo, mà cũng là của cố đô Thăng Long, được xây cất từ năm 1057 dưới thời vua Lý Thánh Tông. Phật giáo Việt Nam, một tôn giáo luôn luôn đồng hành với dân tộc qua những thăng trầm của vận nước, dù với tư cách là một Giáo hội hay là một bộ phận lớn nhất của cộng đồng dân tộc, đã liên tục là sở hữu chủ của cơ sở này trong 825 năm cho đến năm 1883 khi bị chính quyền thực dân Pháp cưỡng chiếm rồi giao cho Thiên Chúa giáo, cụ thể là Giám mục Puginier sử dụng.

Chùa Báo Thiên, một di sản văn hóa đồ sộ vào bậc nhất nước ta tọa lạc trên khu đất rộng vài ngàn mét vuông, đã bị đập phá rồi xây dựng Nhà thờ Lớn Hà Nội và Tòa Khâm sứ lên trên đó.
Vừa qua, một số người lên tiếng đòi Chính phủ giao trả Tòa Khâm sứ cũ ấy cho Thiên Chúa giáo, gây nhiều xôn xao trong quần chúng nhân dân. Chúng tôi đề nghị Thủ tướng nên xem Giáo hội Phật giáo Việt Nam là một trong những thành phần chủ yếu để tham khảo trước khi có quyết định cụ thể liên hệ đến sự việc trên ».

Về lập luận GHPGVN, một pháp nhân của thế kỷ 20 tự coi mình là sở hữu chủ liên tục của những công trình do vua Lý thánh Tông cho xây dựng từ 1057 ( thực ra là 1056) cho đến năm 1883 là một lập luận mà không một người có trí óc bình thường nào có thể chấp nhận. Đây là một vết nhơ của GHPGVN.

Điều đáng buồn thứ hai nêu trong văn thư vừa kể là hoà thượng Trung Hậu đã đề cập đến một sai lầm căn bản mà một số tác giả cũng vấp phải: lầm lẫn tháp Báo thiên (Đại thắng Báo thiên tự tháp)- được vua Lý thánh Tông cho xây dựng năm 1057 sau khi chiến thắng quân Chiêm Thành, một trong bốn An nam tứ đại khí – với chùa Báo Thiên (Sùng Khánh Báo thiên tự) được vua Lý cho xây trước đó (1056). Các sử liệu cũ (Đại việt sử ký, Đại việt sử ký toàn thư) đều nhất trí về điểm này. Hai đơn vị xây dựng này có tính độc lập của nó vì được sử dụng trong những mục đích khác nhau.

Tháp Báo Thiên có 12 tầng (hay 30 tầng, tuỳ sử liệu), cao khoảng 60-80m (?), nền đá, rồi gạch và trên cùng là đồng. Tháp này -theo sử liệu- đã bị bão tổ phá sập ngọn tháp năm 1258, sét đánh sạt hai tầng trên năm 1322, và cuối cùng, vào năm 1427, bị Vương Thông cho phá hoàn toàn để lấy đồng nóc tháp (cùng với chuông nặng khoảng 900 kg của chùa Báo Thiên) để đúc đạn nhằm thoát vòng vây của vua Lê Lợi ở Đông quan. Sau đó, nơi đây biến thành pháp trường và họp chợ cho đến đời Tây sơn năm 1791 đã lấy nền gạch đá để xây thành Thăng Long thì coi như tháp bị phá huỷ hoàn toàn.

Vậy là thực dân Pháp không có can dự gì vào việc phá huỷ tháp Báo Thiên như một số tác giả và phật tử hô hoán.

Cũng cần lưu ý về chữ Thiên của tện tháp và chùa bao hàm ý nghĩa nhân gian pha Nho giáo đã được dùng từ trước: thiên mệnh, thiên đạo, thiên tử (gắn trên các tầng tháp)… Tháp dùng để vua tế trời (Nam giao) chứ không liên quan đến khái niệm nào của đạo Phật.

Còn về vị trí : theo bản đồ thời Hồng Đức (1406) hay bản đồ năm 1490, ta thấy tháp Báo Thiên nằm trên một gò đất phía tây hồ Lục thuỷ (hồ Hoàn Kiếm hiện nay). Theo ông Hoàng Đạo Thuý, trong sách Thăng Long, Đông Đô, Hà Nội thì tháp Báo Thiên nằm sau đền Đông Hương phố Tràng Tiền. Có người cho rằng đó là chỗ toà báo Nhân Dân bây giờ.

Điều chắc chắn là nơi xây tháp không phải là Nhà thờ Chính toà, Toà Tổng giám mục(TGM) hay toà Khâm sứ. Địa điểm của Nhà thờ chính toà (thánh Giu-xe) chính là chỗ của chùa Báo Thiên. Còn toà TGM và Khâm sứ theo tài liệu Bulletin de la Société des Missions Étrangères de Paris, từ tháng 5-1932 đến tháng 11-1932 có thể suy ra là nằm giữa chùa Báo thiên và khu Trường Thi (Thư viện Quốc gia ngày nay) ở phía nam, không thể là vị trí tháp Báo thiên và đã được các linh mục J.Bonfils và M.Landais mua để xây cất nhà nguyện và một vài cơ sở khác vào năm 1873-1876 rồi bị giặc Cờ đen đốt phá. Những người cho rằng toà TGM và Khâm sứ nằm trong « khu đất » thuộc chùa Báo Thiên thực ra không có cơ sở lịch sử cụ thể nào. Trong sử sách không hề ghi diện tích chùa Báo Thiên như hoà thượng Trung Hậu đã phóng đại ra.

Chùa Báo Thiên lịch sử có còn tồn tại vào năm 1883 ?

Một số những người bênh vực lập trường của công giáo thường nêu ra bài viết của ông Lữ Giang «Vụ chùa và tháp Báo Thiên»
. Những lập luận và tài liệu dẫn giải của một người có căn bản luật học vững chắc như ông phải coi là có tính cách thuyết phục. Tuy nhiên, có một sơ sót khi ông chỉ đưa ra tài liệu Tự Điển Hà Nội Địa Danh (do Bùi Thiết biên soạn và do nhà xuất bản Văn Hóa Thông Tin ấn hành năm 1993) để cho rằng chùa Báo Thiên không bị thực dân Pháp phá huỷ năm 1883:

Chùa Báo Thiên: “Dựng vào năm 1056 trên đất phường Báo Thiên, tên chữ là Sùng Khánh Tự, có chuông chùa đúc cùng năm, hết 12.000 cân đồng. Ngôi chùa qua nhiều lần trùng tu, đến cuối thế kỷ XVIII bị nạn kiêu binh đốt, phá hủy hoàn toàn”.

Những người bênh vực lập trường «chống công giáo» lại thường sử dụng một trích đoạn trong cuốn Mission (Nhà chung) của André Massion căn cứ trên cuốn Au Tonkin của công sứ R. Bonnal (2) để nói về việc chùa Báo Thiên bị đổi chủ thành toà TGM như thế nào:

«San bằng cái chùa và tịch thu miếng đất, thật không có gì dễ bằng trong thời gian chiếm đóng…, tuy nhiên, công bình mà nói, tôi cảm thấy ít nhiều ái ngại trong việc phạm một sự lạm quyền kiểu đó, nên thấy nên nhờ ông Tổng đốc Nguyễn Hữu Độ. Ông rất tâm đầu ý hiệp với Giám mục [Puginier, còn có tên là cha Phước] và muốn làm vừa lòng ngài cũng như tôi vậy. Thoạt tiên, ông cho điều nghiên xem có ai là hậu duệ của người sáng lập ra chùa, đã chết hai thế kỷ trước, và lẽ dĩ nhiên, không tìm ra ai. Thứ đến ông chỉ thị cho các công dân lãnh đạo trong phường, được chọn lựa có vẻ như là do sự may rủi giữa các người Công giáo, đến thẩm lượng mức kiên cố của ngôi chùa; họ không ngần ngại xác quyết rằng, ngôi chùa đã mục nát có thể sập gây nguy hiểm cho người qua lại. Bây giờ mọi việc đã đâu vào đấy, san bằng ngôi chùa và tịch thu miếng đất…”

Những sự kiện được nêu trong đoạn văn này cần được suy diễn một cách thận trọng và phải được hiểu trong bối cảnh lịch sử pháp lý lúc đó. Điều chắc chắn là lúc đó không có mấy ai -dù là phật tử sùng tín- tha thiết đến ngôi chùa mục nát này trong bối cảnh loạn lạc và đổi thay của đất nước. Dù người ta có nêu lên những chi tiết lấy từ sử liệu như Đại nam nhất thống chí, Kế đăng lục để cho rằng : tổng đốc Tôn Thất Bật thời vua Tự Đức đã cho sửa lại ngôi chùa và năm 1857 “Lúc đó tại chùa Báo Thiên đang khắc ván bộ Phật Tổ thống kỷ của Trung Quốc”. Thực tế là những diễn biến loạn ly sau đó đã thay đổi bộ mặt của ngôi chùa.

Và điều quan trọng hơn cả là: chùa Báo Thiên vào năm 1883 không còn là chùa Báo Thiên lịch sử 1056. Chùa Báo Thiên lịch sử đã bị phá huỷ nặng nề lần đầu bởi giặc Minh năm 1427 cùng với chuông đồng, theo cuốn Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX của Nguyễn Văn Uẩn, Nhà xuất bản Hà Nội 1995:

“Thời Minh thuộc, tướng giặc Vương Thông bị nghĩa quân Lam Sơn vây khốn trong thành Đông Quan, chúng đã phá các chùa chiền, vơ vét chuông khánh đồng để đúc binh khí chống lại quân ta. Tháp và chùa Báo Thiên bị phá huỷ nặng nề, và chuông Báo Thiên bị mất.

Năm Giáp Dần 1434 vua Lê Thái Tông mở mang khu vực Hồ Gươm, sai thợ khéo dựng lại chùa Báo Thiên, còn ngôi tháp đổ không xây lại được nữa.»

Theo một nhà nghiên cứu người Pháp, chùa Báo Thiên lại bi phá huỷ lần nữa năm 1547. Lần cuối cùng, chùa Báo Thiên bị giặc Kiêu Binh của chúa Trịnh đốt sạch vào khoảng những năm 1780. Nếu ta chỉ nói đến chùa Báo Thiên lịch sử thì quan điểm của ông Lữ Giang vẫn có giá trị. Ngoài ra, chúng ta cũng không biết ai là người đã dựng lại chùa qua quá trình đến 1883.

Và như thế là trong quá trình lịch sử, người ta đã không còn hình dung được chùa Báo Thiên lịch sử đã biến đổi ra sao cho đến năm 1883. Một số tác giả đã chỉ trách tổng đốc Nguyễn Hữu Độ không tìm cách xin triều đình cho tu sửa ngôi chùa. Việc phê phán xin dành cho lịch sử.

Điều quan trọng là nhìn rõ ý nghĩa của sự việc trong một nhãn quan thực tế và không mang tính cảm quan. Việc đất toà Khâm sứ chắc là chưa xong. Nó có thể được hâm nóng trở lại bất cứ lúc nào. Tôi chia sẻ ý kiến của tác giả Phong Uyên trong phần kết luận bài viết «Hoàn cảnh lịch sử của việc xây Nhà thờ Lớn Hà nội» đăng trên Talawas (11/3/08):

« Chắc có nhiều độc giả đồng tình với tôi là sự kiện Công giáo đòi Toà Khâm không dính líu gì đến sự kiện Nhà thờ Lớn Hà Nội được xây dựng cách đây 111 năm. Nếu cứ cố tình nhập hai sự kiện vào nhau để tranh luận thì tôi thấy những cuộc bàn cãi sẽ sa lầy và không có lối thoát. Tôi thiết tưởng phải nhân cơ hội này mà đòi hỏi chính quyền đưa ra những luật lệ rõ ràng về nhà đất. Đó là vấn đề quan trọng số một liên quan đến đời sống của mỗi người chúng ta.».

Thực ra, giới lãnh đạo cộng sản đã nhìn thấy vấn đề và có thể giải quyết sự việc đất toà Khâm sứ nếu muốn. Nhưng nếu khó khăn chủ yếu lại ở chỗ «trên bảo dưới không nghe» như người ta có cảm tưởng thì đấy lại là một vấn nan khác của chế độ độc tài đảng trị này.

Tiến Hồng
Rennes, 12/3/2008

(1) Theo VietCatholics News ngày 28/2/08 tường trình phiên họp ngày 27 và 28/208 của Uỷ Ban đoàn kết công giáo VN, một «cơ quan liên lạc» của công giáo do nhà cầm quyền lập ra và đặt để trong Mặt trận Tổ quốc, một tổ chức ngoại vi của đảng CS, tuy không có uy tín nhưng có những quyền lợi nhất định (chọn đại biểu Quốc hội, xe đưa rước…). (2) Xem bài viết của Hoàng Cúc đăng trên Talawas ngày 28/2/08.
Nguồn : Thông Luận

Bình luận về bài viết này